Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Mặt trái của sự “sáng tạo” ngôn ngữ

 Cùng là người Việt nhưng đôi khi ngôn ngữ giữa các thế hệ rất khó “hòa nhập”, đó là một chuyện vô cùng mâu thuẫn.
Cùng là người Việt nhưng đôi khi ngôn ngữ giữa các thế hệ rất khó “hòa nhập”, đó là một chuyện vô cùng mâu thuẫn.

Không chỉ xuất hiện trên những trang báo mạng, ngôn ngữ kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” vẫn đang len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống.

Phát ngôn thiếu chiều sâu

Thậm chí, những thành ngữ của người xưa với ý nghĩa, hình tượng tương đối chính xác được dùng để ví, để so sánh với những hiện tượng, sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày thì nay đã bị bóp méo thành những câu có vần nhưng thiếu nghĩa: “Một điều nhịn là chín điều nhục”; “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”; “ăn trong nồi ngồi trong xó”...

Ở góc độ nào đó, sự phát triển của công nghệ đã và đang gián tiếp làm hỏng tiếng Việt, khi mà con người viết mà không cần bút, đọc mà chẳng cần sách, thì đó cũng là lúc vốn tiếng Việt bị “uy hiếp” một cách trầm trọng, thay vào đó là sự phát triển vô tội vạ của tiếng lóng. Thế mới có chuyện không ít bậc phụ huynh mày mò vào những trang báo tuổi teen thì hốt hoảng, vì rõ ràng là tiếng Việt nhưng khi đọc lên thì họ chẳng hiểu gì: “Sao lại ném gạch, ném đá vào ca sĩ này, diễn viên kia...!? Thế giới đúng là đảo điên!”.

Không lạ khi ta bắt gặp như câu nhận xét như thế này: ca sĩ D, người mẫu E đúng là “thảm họa”. Tiếc là từ “thảm họa” được sử dụng nhiều không phải bởi người cầm bút mà chính là những phát ngôn của người trong giới giải trí. Trước đó, từ “thảm họa” không làm người ta cảm thấy khó chịu đến thế vì nó ít được nhắc đến và nếu có nhắc đến thì đó cũng là những trường hợp hợp lý như: thảm họa trái đất; thảm họa chiến tranh... chứ không ai nói người của công chúng là thảm họa.

Tất nhiên, không có ai hoàn hảo cả, dù một cô người mẫu chân dài, mặt đẹp nhưng phát ngôn hơi vụng về thì đó cũng chỉ là một khiếm khuyết chứ không thể nói cô ấy là “thảm họa”; một cô ca sĩ có sắc vóc, có học thức nhưng không có tài xử lý những nốt cao thì lại càng không phải “thảm họa”, cô ấy còn nhiều thời gian để rèn giũa và trưởng thành, tại sao cứ phải gọi cô ấy là “thảm họa nhạc Việt”!? Đáng buồn hơn, người phát ngôn lại chính là đồng nghiệp của cô...

Từ “thảm họa” trở nên phổ biến trong giới giải trí và nó khiến người ta phát điên! Một trường hợp lạm dụng từ “thảm họa” chính là ca sĩ Thanh Trúc - top 10 Vietnam Idol đã từng bị BGK chương trình “răn đe” vì cô lỡ miệng chê Bảo Anh – gương mặt sáng của The Voice 2012: “Có những mầm mống thảm họa cũng không thua kém gì, đó là càng ngày người trong giới giải trí càng ít tôn trọng đồng nghiệp của mình hơn, và hay soi mói chuyện người khác hơn là tập trung vào công việc của mình. Tôi hy vọng rằng ở những vòng sau em phải chứng minh bằng đúng tài năng thực lực của em nhiều hơn để có thêm khán giả”.

Trường hợp của Thanh Trúc là một bài học cho những ca sĩ trẻ thích gây chú ý bởi những phát ngôn thiếu chiều sâu. Tuy nhiên, sự phóng khoáng của ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở đó, nguy hại hơn chính là sự lạm dụng ngôn ngữ. A dua theo trào lưu này chính là giới trẻ trong khi người lớn tuổi cảm thấy phẫn nộ nhưng... bất lực.

Đối với người nước ngoài, việc sinh sống tại Việt Nam chính là thách thức lớn bởi họ phải hòa nhập được với lối sống bản địa. Nhưng tại sao cùng là người Việt với nhau mà ngôn ngữ giữa các thế hệ cũng khó “hòa nhập”, đó là một chuyện vô cùng mâu thuẫn.

Trách nhiệm ở người cầm bút?

Đâu rồi hình ảnh những con cò miệt mài kiếm ăn, đâu rồi hình ảnh người mẹ một nắng hai sương... Thay vào đó là những câu khẩu ngữ hài hước, phù phiếm đang chiếm lĩnh tâm hồn người trẻ. Đã đến lúc, mỗi cá nhân hãy tự gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cho chính bản thân mình.

Bởi lẽ tiếng Việt chính là gốc rễ, là văn hóa, là tâm hồn của người Việt Nam. Hỡi những ai đang cầm bút – những “cỗ máy” đang ngày đêm mang văn hóa đến mọi ngõ ngách của đời sống, hãy sử dụng cái hay cái đẹp của tiếng Việt thay vì lạm dụng tiếng lóng.

Hãy xem những cây viết thiếu trách nhiệm đã và đang cổ xúy cho tiếng lóng như thế nào: Mỹ nữ A méo mặt vì “dao kéo”; ca sĩ B hứng “đá tảng” vì hát nhép; bộ trang phục của diễn viên C thật “khó đỡ”... Nếu phải dịch thứ ngôn ngữ này sang tiếng khác thì có lẽ độc giả nước ngoài khó mà hiểu được vì sao người nổi tiếng ở VN “khổ” thế, họ liên tục bị “tấn công” bởi đá tảng, dao, kéo... và khi bị gục ngã thì không ai... đỡ nổi. Nhưng tất nhiên, đối với một bộ phận cộng đồng sử dụng tiếng lóng thì đó chỉ là mức độ “nhẹ”.

Từ trước đến nay, sự phong phú của tiếng Việt được ví như đại dương mênh mông, người ngoại quốc muốn học tiếng Việt thì có lẽ 5 năm đèn sách cũng không thấm thía hết, chính vì thế mà họ “nể” tiếng Việt lắm, và đó cũng là niềm tự hào của người Việt Nam khi mà họ có thể nói hay như “chim hót” thứ ngôn ngữ đặc biệt này.

Ai chịu trách nhiệm về vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt đang bị “lóng hóa” như hiện nay, ngoài tầm kiểm soát của gia đình, nhà trường thì có lẽ chính những người cầm bút sẽ phải nhìn lại cách làm việc của họ. Có thể tiếng lóng xuất phát từ nhiều cá nhân thích sự lạ lẫm, mới mẻ rồi mới lan tỏa đến số đông, nhưng người viết chính là chiếc cầu vô hình mang tiếng lóng đến mọi ngõ ngách của đời sống văn hóa.

Nam Phương
Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image